Bài học từ việc làm thêm tại New Zealand của du học sinh Việt

Nza

Những công việc tưởng chừng đơn giản như bán bánh mì hay đóng gói cherry đã đem lại cho sinh viên Việt Nam ở New Zealand những bài học về cách làm việc, quản lý, giúp họ tự tin hơn trong dự án Startup khi về Việt Nam.

Cùng lắng nghe các cựu du học sinh đã chia sẻ về công việc làm thêm trong suốt thời gian sinh sống và học tập tại quốc gia này.

Theo chính sách việc làm dành cho sinh viên quốc tế, mỗi sinh viên được đi làm tối đa 20 tiếng mỗi tuần trong thời gian học chính và được phép làm toàn thời gian khi nghỉ hè. Chính sách này giúp sinh viên có thêm thu nhập và nhiều trải nghiệm ở đất nước được xếp hạng yên bình nhất thế giới.

Chị Trịnh Thị Hằng, cựu du học sinh Việt Nam ở Đại học Victoria Wellington, chia sẻ trong hai năm học chương trình thạc sĩ, chị đã làm thêm công việc bán bánh mì. “Khi đó, tôi nghĩ công việc này rất đơn giản. Tôi làm cho tiệm bánh của người Việt, tôi giỏi tiếng Việt và tiếng Anh và những gì tôi cần làm chỉ là hỏi khách muốn ăn loại bánh nào và lấy đưa cho họ”, chị Hằng kể lại. Nhưng những gì chị suy nghĩ đã không đúng.

bai-hoc-tu-viec-lam-them-tai-new-zealand-cua-du-hoc-sinh-viet

Trịnh Hằng (bên phải) và Phương Anh (giữa) chia sẻ về công việc làm thêm trong thời gian học tập tại New Zealand. 

Tiệm bánh nơi chị Hằng làm thêm chỉ mở cửa 4 tiếng buổi trưa mỗi ngày. Là sinh viên quốc tế, chị được phép làm hơn hai tiếng và với chị Hằng, mỗi buổi làm việc ngắn ấy đều mang đến những bài học quý báu. “Quản lý của tiệm bánh là người đập tan mọi suy nghĩ đơn giản ban đầu của tôi về công việc này. Chị ấy dạy tôi làm thế nào để phục vụ nhiều khách nhất có thể, để không ai phải xếp hàng mà vẫn không mua được đồ ăn cho bữa trưa”, chị Hằng nói. 

Người quản lý dạy chị Hằng cách nhìn khách từ xa ngay khi khách đang xếp hàng. “Khi thấy khách quen, tôi phải định hình ngay được người khách này thường ăn loại bánh nào để chuẩn bị trước. Điều này giúp việc phục vụ nhanh hơn và chuyên nghiệp hơn”, chị Hằng chia sẻ.

Vào dịp nghỉ hè, cựu du học sinh này đi làm toàn thời gian ở một nông trại. Công việc của chị là đóng gói cherry để xuất khẩu đi các nước. Ở đây, chị Hằng được gặp gỡ với bạn bè ở nhiều quốc gia, được trả lương theo giờ làm việc và có nhiều trải nghiệm mới.

“Chủ nông trại là nông dân. Ông tự quy hoạch và trồng rất nhiều loại cây trái rồi tự tìm đường xuất khẩu ra thế giới mà không cần đi qua một bộ, ngành nào cả. Ông đã nói với tôi chỉ cần nông sản đảm bảo chất lượng theo đúng quy trình thủ tục là có thể xuất sang các nước khác. Tôi ngạc nhiên và ấn tượng vì điều đó”, chị Hằng kể lại với cảm xúc như lần đầu nghe câu chuyện đó.

Theo chị Hằng, sinh viên quốc tế ở New Zealand đi làm thêm không chỉ để có thêm thu nhập mà điều quan trọng là tăng vốn sống và có những trải nghiệm mới. Chị Hằng khẳng định, hai công việc làm thêm khi còn theo học chương trình thạc sĩ ở New Zealand giúp ích rất nhiều cho chị trong việc thực hiện các dự án hiện tại ở Việt Nam.

Nguyễn Thị Phương Anh, cựu du học sinh Việt Nam khác ở New Zealand, đã trải qua 5 công việc làm thêm ở các cửa hàng cà phê hay tiệm bánh trong 4 năm và đã học được nhiều kỹ năng mềm cần thiết. Phương Anh nhận định phong cách làm việc ở New Zealand là tự do trong khuôn khổ. “Họ tự do phát triển, thể hiện năng lực, độc lập nhưng theo một tinh thần nào đó”, Phương Anh nói.

Phương Anh kể lại câu chuyện những ngày đi làm thêm từ 6h sáng trong tiết trời mưa gió. “Khi ấy, xe bus chưa hoạt động, tôi phải đi bộ từ nhà tới chỗ làm. Tôi ngạc nhiên khi bất kỳ một ôtô nào đang đi cũng dừng lại và người chủ mở kính xe hỏi tôi có muốn đi nhờ không”, Phương Anh kể lại.

Sự thân thiện, nhiệt tình giúp đỡ của người dân New Zealand trong cả công việc và học tập giúp Phương Anh thay đổi suy nghĩ rất nhiều, biến cô từ một người hay e ngại trở nên cởi mở và nhiệt huyết hơn.

Sau 4 năm học tập và hai năm làm việc ở New Zealand, Phương Anh đã trở về Việt Nam và tham gia một dự án Startup. Phương Anh khẳng định những gì học được ở New Zealand, những công việc làm thêm tưởng như rất nhỏ nhặt đã giúp cô biết cách quản lý, sắp xếp công việc và tự tin chinh phục những điều mới mẻ.

Mọi thắc mắc về du học New Zealand vui lòng liên hệ Vietlink Education

Register- vle