Phát huy sức mạnh giáo dục nhân cách cho trẻ bằng Văn học thiếu nhi

8 H3 B2262
Vấn đề giáo dục nhân cách con người – là một mục tiêu cao, cho cả đời người, cần được chuẩn bị sớm cho các thế hệ trẻ, ngay từ lúc vào đời. Nhưng phải là một chuẩn bị thích hợp với lứa tuổi, trong đó có lứa tuổi học mà chơi, chơi mà học, kết hợp học tập và giải trí; trong một thời đại có rất nhiều phương tiện cho con người sử dụng để nhận thức thế giới. Văn học là một phương tiện giáo dục có ưu thế riêng mà chúng ta cần phát huy.
Văn học có vai trò quan trọng trong việc giáo dục toàn diện nhân cách trẻ em cả về đạo đức, trí tuệ và tình cảm thẩm mĩ.Ở lứa tuổi mầm non, với tâm hồn thơ ngây, trong trắng, chưa có nhiều những trải nghiệm cá nhân, nhận thức về thế giới xung quanh ở mức cảm tính…, nên việc tiếp xúc với cái đẹp lấp lánh của ngôn từ và trí tưởng tượng phong phú trong tác phẩm văn học thiếu nhi sẽ là cơ sở để các em rung động và cảm nhận được vẻ đẹp về một thế giới bao la đầy âm thanh, màu sắc và sự huyền bí. Trong truyện cổ tích, trẻ được gặp ông Bụt, bà Tiên tốt bụng với những phép biến hóa thần thông, những nàng công chúa xinh đẹp, những chàng hoàng tử thông minh, can đảm… Còn trong truyện thần thoại, các em lại được bắt gặp lối nhân hóa và sự tưởng tượng nghệ thuật, ở đó các con vật, cỏ cây, hoa lá hiện lên một cách sinh động thể hiện tình cảm gắn bó sâu sắc giữa con người với thiên nhiên. Trẻ thơ vốn đã sẵn trong đầu trí tưởng tượng phong phú nên khi gặp những yếu tố kì ảo, đẹp đẽ trong các tác phẩm văn học thì trí tưởng tượng ở trẻ càng được thăng hoa, giúp các em phát triển trí tuệ và thưởng thức cái đẹp, tâm hồn nhạy cảm, tinh tế hơn.
Văn học thiếu nhi có có vai trò quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Mảng văn học này  như một nguời bạn đồng hành cùng trẻ thơ, cung cấp cho trẻ thơ một vốn từ ngữ khổng lồ, đặc biệt là những từ ngữ nghệ thuật. Khi trẻ thường xuyên tiếp xúc với các tác phẩm, vốn từ ngữ của các em phong phú và sống động hơn. Các em tự hình thành cho mình khả năng diễn đạt một vấn đề một cách mạch lạc, giàu hình ảnh và biểu cảm bởi đã được học cách diễn đạt sinh động ấy trong tác phẩm. Đối với trẻ mầm non, sự phát triển ngôn ngữ ấy qua hoạt động bắt chước lời nói, việc làm của các nhân vật hoặc những cách diễn đạt trong tác phẩm. Chính quá trình trẻ được nghe, được kể diễn cảm truyện, thơ và được trực tiếp tham gia vào hoạt động đọc, kể lại truyện thơ sẽ giúp trẻ tích lũy và phát triển thêm nhiều từ mới. Điều này giúp chúng ta có thể dễ dàng hơn trong việc rèn luyện khả năng biểu cảm trong ngôn ngữ nói, ngôn ngữ miêu tả, ngôn ngữ đối thoại với trẻ.
Văn học lứa tuổi mầm non có nội dung phù hợp với thị hiếu, tâm lí các em và hướng dẫn tới cái đẹp chân – thiện – mĩ. Trẻ em ở lứa tuổi mầm non là những “bạn đọc đặc biệt” , chưa biết đọc, biết viết cho nên việc tiếp xúc với văn học thiếu nhi chủ yếu là qua lời đọc, lời kể của ông bà, cha mẹ, thầy cô,…. Trong môi trường giáo dục gia đình, cha mẹ cần tác động đến nhân cách trẻ em thông qua con đường văn học, đặc biệt cần quan tâm đến sở thích của trẻ nhỏ. Các em vốn rất yêu cái cái đẹp, cái tốt, cái thực; vì vậy các bậc cha mẹ cần nắm được những đặc điểm tâm lí của trẻ để thỏa mãn những nhu cầu ấy một cách tự nhiên. Những hình tượng nghệ thuật giàu giá trị nhân văn kết hợp vần điệu, nhạc điệu trong tác phẩm sẽ gây được những ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn trẻ thơ, tác động nhẹ nhàng đến nhận thức, tư tưởng tình cảm ở trẻ. Điều quan trọng là cha mẹ phải biết gây hứng thú với trẻ trong việc đọc tác phẩm văn học giữa bao nhiêu trò chơi trên internet và những thú vui khác đang lôi kéo trẻ xa rời việc đọc sách.
Việc bồi dưỡng cho trẻ lòng yêu mến với văn học dân gian, yêu những câu chuyện cổ tích, những bài ca dao chan chứa tình người phải bắt đầu từ sự tác động của ông bà, cha mẹ. Một hạn chế lớn của các bà mẹ trẻ là không am hiểu nhiều văn học dân gian nên khó có thể truyền thụ cho trẻ. Nếu chúng ta hiểu được vai trò và sức mạnh giáo dục của văn học đối với trẻ em thì việc phát huy phương tiện giáo dục này có lẽ là một điều cần thiết để làm thay đổi những cách giáo huấn khô khan, những lời dạy dỗ cứng ngắc mà lâu nay chúng ta vẫn nói với trẻ. Khả năng tác động của văn học đến tâm hồn và trí tuệ, nhân cách của con người vẫn luôn là một sức mạnh kì diệu và tinh tế nhất.