Sau thông báo của Thủ tướng về những siết chặt trong kỳ thi quốc tịch Úc, vấn đề bây giờ là trình độ tiếng Anh phải đạt mức nào để có thể vượt qua bài thi quốc tịch?
Theo những đề xuất thay đổi trong bản Đề xuất về thắt chặt bài thi Quốc tịch Úc, những công dân tương lai được yêu cầu phải thi một bài kiểm tra tiếng Anh riêng biệt được tổ chức bởi một trung tâm được chứng nhận và phải đạt trình độ tối thiểu là ‘competent’ – đủ khả năng.
Tổng trưởng Di trú Peter Dutton qua một thông cáo báo chí cũng cho biết, bài thi tiếng Anh mà ứng viên phải vượt qua bao gồm những kỹ năng liên quan, đó là Nghe, Nói, Đọc và Viết. Kết quả đạt được phải tương đương trình độ tiếng Anh IELTS 6.0
Trình độ ‘competent’ nghĩa là gì?
Cùng tìm hiểu thang điểm đánh giá của kỳ thi IELTS để hiểu về định nghĩa thế nào là trình độ ‘competent’.
IELTS là kỳ thi đánh giá khả năng ngôn ngữ của những người muốn học tập và làm việc tại những nơi mà tiếng Anh được sử dụng như là ngôn ngữ chính trong giao tiếp. Bài kiểm tra đánh giá những kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, với tổng thời gian làm bài là gần 3 tiếng đồng hồ.
Theo trang mạng chính thức của IELTS, có hai dạng bài kiểm tra: Học thuật (Academic) và Tổng quát (General).
Bài thi IELTS Tổng quát tập trung vào những kỹ năng giao tiếp cơ bản, lấy tình huống trong những hoàn cảnh xã hội và nơi làm việc. Dạng này thường được cho là dễ hơn bài thi theo dạng Học thuật, và hiện đang là yêu cầu về tiếng Anh dành cho những di dân đến Úc.
Do đó, rất có khả năng bài thi quốc tịch sẽ dựa trên tiêu chuẩn của dạng Tổng quát.
IELTS sử dụng thang điểm 9 để phân định trình độ, từ trình độ ‘không sử dụng tiếng Anh’ (thang điểm 1.0) cho đến trình độ ‘thông thạo’ (thang điểm 9). Còn đối với thang điểm 6 – ‘competent’, có nghĩa là trình độ khá, hoặc đủ khả năng giao tiếp.
Hiện tại, đối với sinh viên quốc tế, có thể họ chỉ cần điểm trung bình 5.5 cho bài thi Học thuật (Academic), do các sinh viên này đang theo học toàn thời tại một tổ chức được công nhận.
Hầu hết các trường đại học quy định về điểm tiếng Anh đầu vào trung bình phải đạt 6.5. Chẳng hạn tại Đại học Sydney, nhiều khoa và ngành học thậm chí yêu cầu điểm trung bình IELTS phải đạt 7.0 và không có kỹ năng nào dưới 6.0
Do đó hi vọng bài thi tiếng Anh sẽ theo những gì dự đoán, sẽ không phải là một trở ngại đáng kể đối với những bạn trẻ đã có bằng cấp, đã sinh sống và làm việc tại Úc trước khi xin quốc tịch.
Ai sẽ được miễn không phải thi tiếng Anh?
Những người hiện đã được miễn không phải thi quốc tịch, chẳng hạn những người trên 60 tuổi, hoặc dưới 16 tuổi tại thời điểm họ nộp hồ sơ xin quốc tịch, những người khuyết tật không đủ năng lực, người bệnh tâm thần lâu dài hay vĩnh viễn) sẽ được hưởng ngoại lệ không thi tiếng Anh.
Ai sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ yêu cầu về tiếng Anh?
Theo Business Insider, tỉ lệ rớt kỳ thi quốc tịch ở những di dân đến từ Ấn Độ là rất thấp, và điều này chắc chắn có liên quan đến việc trình độ tiếng Anh của họ sẽ cao hơn mức ‘competent’.
Thống kê của Bộ Di trú về kỳ thi quốc tịch cho thấy, tỷ lệ rớt ở những di dân Trung Quốc cao hơn 7 lần những người Ấn Độ, còn đối với người Việt Nam, tỷ lệ này là 17 lần.
Phúc trình của SBS cũng cho biết tỷ lệ đậu dựa trên loại visa di dân của người nộp đơn, trong đó những người nắm visa nhân đạo có tỉ lệ đậu bài thi quốc tịch là 91.2%, còn những người nắm visa tay nghề là 99.7%
Những di dân theo dạng tay nghề cần phải thi 1.1 lần để đậu bài thi quốc tịch, còn những di dân theo dạng đoàn tụ gia đình cần thi 1.4 bài kiểm tra, và những di dân có visa nhân đạo là 2.4 bài kiểm tra.
Theo những thay đổi về bài thi quốc tịch, thì di dân chỉ có thể thi tối đa 3 lần trong 1 năm, điều này có thể là một rắc rối đối với những di dân theo diện nhân đạo.
“Cha mẹ của những công dân Úc sẽ không bao giờ lấy được quốc tịch”
Hội đồng các cộng đồng đa văn hóa NSW (MCC NSW) nói rằng, việc siết chặt bài thi quốc tịch sẽ khiến cha mẹ của nhiều người Úc sẽ không bao giờ lấy được quốc tịch.
Tiến sĩ Anthony Pun, Chủ tịch của MCC NSW đã kêu gọi Chính phủ liên bang miễn thi cho những người có thường trú (PR) trên 55 tuổi và tất cả những người tị nạn theo chương trình nhân đạo.
Theo Hương Lan – SBS